Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tư lệnh ngành, đơn vị trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều biện pháp để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững…đặc biệt là thị trường trái phiếu.
Khơi thông nguồn vốn, “rã băng” bất động sản là vực dậy cả trăm ngành liên quan
Bất động sản đóng góp tới 11% GDP và có sức ảnh hưởng chi phối đến hàng trăm ngành nghề. Tuy nhiên, thời gian vừa qua bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn lao động các ngành nghề liên quan.
Hàng nghìn doanh nghiệp trên thị trường bất động sản đang bị rơi vào tình cảnh đói vốn, khó khăn chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng, giãn, hoãn các dự án đang triển khai, thậm chí sa thải 30-50% lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng, dòng vốn tín dụng bị đóng và dư nợ trái phiếu cao.
Thị trường bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế. Cánh chim báo bão ấy là đầu vào của nhiều ngành nghề khác nhau. Không có đất, không có nhà thì các ngành: hạ tầng, thiết kế, vật tư, xây dựng, nội thất, gốm sứ, máy móc cơ điện, thiết bị gia dụng… cũng mất đi cơ hội phát triển. Thậm chí các ngành tưởng chừng không hề liên quan như: hội họa, điêu khắc cũng thịnh suy theo sức khỏe của thị trường địa ốc. Đó là chưa kể đến sau lưng bất động sản còn có cả hệ thống tài chính.
Thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn. Việc co hẹp nguồn vốn vào thị trường bất động sản đã tạo nên khó khăn cho cả chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án cũng như người mua nhà. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách đột phá khơi thông nguồn vốn, vực dậy thị trường bất động sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng khẳng định: “Hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Hiện đã xuất hiện một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản gặp “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Hiện các Tập đoàn, doanh nghiệp này đã phải thực hiện các biện pháp mạnh để tồn tại”.
Ông Châu cho biết, bất động sản đóng góp gần 11% GDP của nền kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực BĐS có ảnh hưởng đến khoảng 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng… Cùng với đó, nhu cầu nhân sự cho BĐS hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, nhu cầu tuyển dụng ngành BĐS bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm. Chính vì thế, khi các doanh nghiệp bất động sản lao đao sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt ngành nghề khác, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Ảnh: Minh họa
Chính phủ liên tục tháo gỡ khó khăn cho bất động sản mang lại niềm tin cho thị trường
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong vòng 1 tháng qua Chính Phủ đã liên tục ban hành các văn bản, yêu cầu các bộ ban ngành liên quan khơi thông vốn, ổn định lại thị trường. Cụ thể, ngày 17/11 Chính phủ đã ban hành quyết định số 1435 về thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tại công điện này, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.
Tiếp đó, ngày 14/12/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Tại công điện này, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Các nhà băng cần cho vay, giải ngân nhanh với những dự án, doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện, có khả năng trả nợ, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.
Không chỉ tháo gỡ về vốn, về chính sách, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thời gian vừa qua Bộ Tài Chính cũng liên tục ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu… sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện thay vì từ 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65. Đáng chú ý, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Đánh giá về những giải pháp của Bộ tài chính, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ trên truyền thông, đề xuất sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu. Cũng theo ông Hiển, đề xuất bổ sung quy định về giãn/hoãn nợ của Bộ Tài chính là gửi tới thị trường thông điệp về việc các phương án giãn/hoãn nợ hay hàng đổi hàng manh nha trên thị trường thời gian vừa qua là phù hợp. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ sẽ yên tâm hơn và không còn cảm thấy quá bức xúc.
Đánh giá về những chính sách gần đây của Chính Phủ cùng với các Bộ, các chuyên gia cũng cho biết những giải pháp tổng hòa của Chính phủ thời gian qua đã giúp lấy lại niềm tin của thị trường. Mặc dù những chính sách trên chưa thật sự hiệu quả ngay nhưng cũng tháo gỡ được một phần khó khăn cho doanh nghiệp, giãn nợ, giãn áp lực giúp doanh nghiệp “dễ thở” để tiếp tục bước sang năm 2023.
“Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, do đó cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường có thể phục hồi trong quý III/2023”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận tín dụng, một trong những nút thắt lớn nhất. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng việc tiếp cận vốn vay vẫn rất khó khăn ngay cả với dự án pháp lý hoàn chỉnh, kế hoạch kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo. Nếu gỡ được nút thắt này, những khó khăn của doanh nghiệp, của thị trường cơ bản sẽ được giải quyết.
Theo báo CafeF
Bình luận Chính Phủ Tổng Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Thị Trường Bất Động Sản