Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị.
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn Đồng Nai đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP.Biên Hòa. Trong phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng vì định hướng phát triển đô thị, vùng nông thôn theo hướng bền vững thời gian tới. Đồng Nai sẽ ưu tiên tập trung phát triển các đô thị lớn để hình thành các cực kích thích tăng trưởng chung.
Quy hoạch là tiền đề để phát triển
Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ: Quy hoạch là “chìa khóa” thu hút đầu tư
Đối với 5 đô thị lớn của tỉnh là: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom, công tác quy hoạch đang được tập trung hoàn thiện để làm cơ sở định hướng phát triển trong thời gian tới. Để quá trình phát triển các đô thị lớn của tỉnh đi theo đúng lộ trình, đảm bảo phát triển bền vững, sau khi các đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, các địa phương phải nhanh chóng lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu.
Đối với những đô thị đang phát triển, nếu không làm tốt công tác quy hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển. Bởi không có quy hoạch phân khu thì không đủ điều kiện để chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án. Do đó, các địa phương phải “thi đua” để phủ quy hoạch phân khu đối với các đô thị. Quy hoạch là “chìa khóa” thu hút đầu tư, do đó đối với 5 đô thị lớn phải đẩy nhanh quy trình lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh LÝ THÀNH PHƯƠNG phát biểu: Cần có định hướng quản lý, phát triển đô thị rõ ràng
Đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu. Đối với Đồng Nai, có thể nhận thấy một vùng rộng lớn từ TP.Biên Hòa đến các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu sẽ là một vùng đô thị rộng lớn. Đồng Nai phải đặt ra được một chiến lược phát triển đô thị rõ ràng, từ đó xác định được phương hướng để quản lý nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đơn cử như một khu vực rộng lớn gồm TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần H.Vĩnh Cửu chúng ta phải công nhận đó sẽ là một vùng phát triển đô thị, còn tổ chức đô thị như thế nào thì bàn sau. Phải xác định và công nhận như vậy thì mới có được một định hướng quản lý, phát triển rõ ràng. Nếu chối bỏ, không đặt ra vấn đề quản lý đô thị ngay từ bây giờ thì khi dân số phát triển đông sẽ không thể phát triển đô thị một cách bền vững được.
Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TS TRẦN DU LỊCH:
Cần đổi mới mô hình tăng trưởng
Mục tiêu của vùng Đông Nam bộ là đến năm 2030 sẽ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Trong đó, vùng sẽ đi đầu trong kinh tế số để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2030, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 14,5 ngàn USD. Tứ giác kinh tế vùng Đông Nam bộ gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng cũng như cả nước.
Để đạt mục tiêu trên, vùng Đông Nam bộ cần tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế theo hướng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Từng bước nâng cao giá trị gia tăng và tiếp tục tham gia vào hội nhập quốc tế nhanh và sâu rộng.
Kết nối giao thông vùng và cảng hàng không quốc tế Long Thành cần thực hiện nhanh để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong vùng.
Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, TS CẤN XUÂN LỰC phát biểu:Sản xuất xanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Là trung tâm giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều cơ hội để thu hút vốn đầu tư trong nước, nước ngoài để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đón dòng vốn chất lượng cao, tỉnh phải chuẩn bị sẵn các yếu tố nhà đầu tư cần như: quy hoạch, đất đai, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Đồng Nai là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước nên bắt kịp xu hướng của thế giới là sản xuất xanh để bảo vệ môi trường.
Gần đây, đa số các nhãn hàng quốc tế đều có cam kết theo lộ trình sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo để cắt giảm khí thải để đưa ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, những nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất xanh nhận được nhiều đơn hàng hơn. Vì thế, sản xuất xanh sẽ giúp cho doanh nghiệp trụ vững và phát triển.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài NGUYỄN ANH TUẤN phát biểu: Doanh nghiệp FDI dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi tiên phong trong cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Đồng Nai cũng như cả nước. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp FDI dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao và tham gia vào kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững.
Tại Đồng Nai, có nhiều dự án của doanh nghiệp FDI ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong quản lý, sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải chuyển đổi sang sử dụng máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tới đây, khi sân bay Long Thành, đường vành đai 3 – TP.HCM, đường vành đai 4 – TP.HCM và các tuyến đường cao tốc: Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Liên Khương, Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành và đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm phát triển trọng điểm mới của quốc gia. Theo đó, Đồng Nai đã đồng bộ các quy hoạch để tạo thuận lợi trong mời gọi đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, Đồng Nai sẽ đứng thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. |
Thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ giúp cho Đồng Nai phát triển nhanh, có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu qua các nước khác.
Đồng thời, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu nội địa, nên đây sẽ là cơ hội để kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để cung ứng sản phẩm cho nhau. Doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai, Nhật Bản (METI – Kansai) Hosokawyoichi phát biểu:
Đồng Nai luôn hấp dẫn các nhà đầu tư
Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung là điểm đến về thu hút đầu tư có nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến với những ưu thế về nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ…
METI – Kansai sẽ tiếp tục liên kết với các địa phương ở Việt Nam, trong đó có Đồng Nai, về việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp ở địa phương. Sau khi Đồng Nai và METI – Kansai ký kết hợp tác, hai bên đã triển khai các nội dung thỏa thuận một cách nghiêm túc, tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tôi tin tưởng sự hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và METI – Kansai sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển trong thời gian tới, nhất là trên các lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực…
Tôi mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò của tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ của METI – Kansai trên địa bàn tỉnh, qua đó trở thành những cầu nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản tại địa phương.
Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai Wu Minh Ying phát biểu:
Nên chọn 1-2 ngành chủ lực để phát triển
Tôi đã có hơn 20 năm đầu tư vào Đồng Nai và nhiều năm được tín nhiệm giữ chức Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai. Có thể nói, Đồng Nai là quê hương thứ 2 của tôi, vì hơn 20 năm qua tôi ở đây nhiều hơn, thời gian về Đài Loan rất ít. Do đó, tôi chứng kiến rất nhiều thay đổi của tỉnh qua mỗi giai đoạn. Nhưng ở thời điểm nào, Đồng Nai cũng là nơi được doanh nghiệp Đài Loan cũng như nhiều nước chú ý, muốn đầu tư vào. Hiện nay, Đài Loan đang xếp thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai, với hơn 400 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào tỉnh. Đa số các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Đài Loan vẫn tiếp tục đầu tư mới, mở rộng sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp tại Đồng Nai.
Theo tôi, để tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, giao thông, đất đai, tỉnh nên chú trọng chọn 1-2 ngành chủ lực để dồn lực phát triển thật mạnh. Như vậy sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, thay vì dàn trải ra nhiều ngành nhưng lại không có ngành nào là thế mạnh nổi bật. Trong đó, sản xuất thiết bị hàng không, điện tử là ngành tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam PHAN ĐĂNG SƠN phát biểu:
Chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị Biên Hòa là định hướng đúng đắn Vấn đề phát triển đô thị Biên Hòa bây giờ cần rà soát lại một cách thật kỹ lưỡng để Biên Hòa tiếp tục trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như của cả nước. Đồng thời, tạo ra sức hút với quốc tế. Bởi, đối với những đô thị có truyền thống phát triển hàng trăm năm như Biên Hòa, trên thế giới thường được khai thác để phát triển rất hiệu quả. Các đô thị như thế, sau khi được định hình lại, tìm hướng phát triển phù hợp và đúng hướng thì nó thực sự đóng góp cho sự phát triển của địa phương rất lớn. Việc chuyển đổi mô hình phát triển cho đô thị Biên Hòa từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ, phát triển thông minh là một định hướng đúng đắn. |
Theo Báo Đồng Nai
Bình luận ĐỒNG NAI-Quy hoạch, phát triển kinh tế trong mắt nhà quản lý và chuyên gia