Thành phố Tây Ninh sẽ xây dựng phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhu cầu du lịch.

    Theo Kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với những nét riêng, đặc thù đến năm 2025, thành phố Tây Ninh chú trọng đồng bộ phát triển hạ tầng như quy hoạch phát triển thành phố Tây Ninh gắn với đô thị du lịch, sinh thái, trung tâm giải trí, mua sắm, ẩm thực, vui chơi của khách du lịch, du lịch sức khoẻ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

    Xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, phấn đấu được công nhận là đô thị loại II

    Thành phố Tây Ninh sẽ từng bước xây dựng theo mô hình sinh thái – kinh tế, phân khu chức năng hợp lý; tập trung công tác quản lý kiến trúc đô thị, bảo đảm các tiêu chuẩn đô thị hiện đại về tỷ lệ đất giao thông, bãi đậu xe, đất ở, mật độ cây xanh… nhất là ở khu vực trung tâm, các trục đường chính như đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Trần Phú…

    Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, tham mưu đề xuất UBND  tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, xây dựng thành phố Tây Ninh xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn, được công nhận đô thị loại II trước năm 2025 và định hướng phấn đấu phát triển đạt 75% tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030.

    Kêu gọi đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường và khu vực có tiềm  năng phát triển du lịch; tăng cường kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch; khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân; ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

    Phối hợp thực hiện hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng không dây miễn phí, hệ thống thanh toán điện tử (ví điện tử momo), trụ thanh toán tự động, trạm cung cấp thông tin thông minh trên địa bàn; phát huy hiệu quả nguồn lực Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích lĩnh vực dịch vụ du lịch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Ảnh: Minh họa

    Xây dựng phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch

    Cùng với sự phát triển hạ tầng, kêu gọi đầu tư, thành phố Tây Ninh sẽ xây dựng phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp  công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhu cầu du lịch.

    Chú trọng khai thác, phát huy lợi thế của Thành phố phát triển du lịch hướng đến chất lượng dịch vụ; Tập trung đầu tư phát triển, hình thành, quảng bá và đẩy mạnh xã hội hoá nhằm xây dựng thành sản phẩm du lịch của thành phố Tây Ninh như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng (homestay)… Phát triển các loại hình văn hoá lịch sử, phong tục, tập quán, lối sống của các dân tộc Khmer, Chăm, tộc người Tà Mun; Hội xuân Núi Bà, Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Ninh, Thái Bình, Quan lớn Trà Vong…

    Phát triển du lịch nông nghiệp như xây dựng các sản phẩm OCOP thuộc các ngành, lĩnh vực, trong đó phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương như: mãng cầu Bà Đen, dưa lưới, mật ong, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, xoài… phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch.

    Định hướng phát triển du lịch làng nghề: nghề gò nhôm, nghề chằm nón… hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, đồng thời với hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch; phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cảnh quan và một số hoạt động thể thao Khu du lịch núi Bà Đen, rạch Tây Ninh; kết hợp tổ chức các sự kiện lớn, liên hoan văn hoá nghệ thuật, trình diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh, trình diễn ánh sáng…

    Tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch

    Theo UBND thành phố Tây Ninh, địa phương sẽ nghiên cứu đề xuất mô hình, liên kết phát triển du lịch theo đặc thù từng phường, xã; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, áp dụng công nghệ du lịch thông minh để nghiên cứu và phát triển các giải pháp đáp ứng nhu cầu của du khách, qua đó nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch.

    Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch, mời các doanh nghiệp du lịch kết nối các điểm đến du lịch trên địa bàn. Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.

    Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng cho từng phường, xã, tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh du lịch; tiêu chuẩn hoá và hướng dẫn người dân đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phát động cộng đồng dân cư tích cực tham gia đóng góp xây dựng môi trường du lịch an toàn, vệ sinh, thân thiện, văn minh.

    Thực hiện giải pháp gắn kết công tác quản lý du lịch với hệ thống giám sát an ninh trên địa bàn tại một số địa điểm có đông khách du lịch, tăng cường hiệu quả các đường dây nóng phục vụ khách du lịch; hình thành hệ thống kiểm soát an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch kết nối với các trung tâm hỗ trợ du khách.

    Tiếp tục rà soát, quản lý tốt các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại tất cả các điểm tham quan du lịch; đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước sạch tại các điểm tham quan, trạm dừng nghỉ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương.

    Đẩy mạnh triển khai phổ biến các quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú; chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.

    Bên cạnh sự phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch… thành phố Tây Ninh xác định vấn đề quan trọng là phải nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, từ đó phát huy sự tham gia, góp sức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động phát triển du lịch tại địa phương.

Theo báo Tây Ninh

Chia sẻ bài viết