Tiến độ công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang bước vào giai đoạn hoàn chỉnh báo cáo giữa kỳ. Tuy nhiên, nội dung quy hoạch hiện nay vẫn chưa chỉ rõ được các tiềm năng, lợi thế riêng có của Đồng Nai cũng như các định hướng “gỡ vướng” để phát huy các tiềm năng, lợi thế này.
Cùng với đó, quy hoạch chưa nhận diện được những đột phá phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Chưa thể hiện rõ “nét riêng” của Đồng Nai
Tháng 10-2022, liên danh đơn vị tư vấn đã có báo cáo đầu kỳ về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi thực hiện lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, liên danh đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh dự thảo báo cáo giữa kỳ. Đầu năm 2023, Sở KH-ĐT cùng đơn vị tư vấn đã triển khai đến các sở, ngành, địa phương để đóng góp ý kiến cũng như đề xuất các ý tưởng quy hoạch.
Theo Sở KH-ĐT, công tác lập quy hoạch tỉnh hiện chậm khoảng 2 tháng so với tiến độ đề ra. Mặt khác, về nội dung, hồ sơ bản quy hoạch hiện tại về cơ bản đã đánh giá được toàn diện quá trình thực hiện quy hoạch giai đoạn 2010-2020. Qua đó, thể hiện được những kết quả đạt được trong giai đoạn này. Tuy nhiên, hồ sơ quy hoạch lại chưa đánh giá rõ nét, chưa khái quát được những điểm nghẽn, những khó khăn khiến cho Đồng Nai chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế.
“Như trên lĩnh vực thương mại dịch vụ, Đồng Nai có thị trường 3,2 triệu dân nhưng chưa có đánh giá cụ thể mà chỉ mới có đánh giá chung chung” – Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên lấy dẫn chứng.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, việc xác định quan điểm, định hướng phát triển sắp tới của tỉnh trong hồ sơ quy hoạch hiện nay chưa thể hiện rõ nét đặc thù của Đồng Nai. Cụ thể, mục tiêu chung vẫn là phát triển theo hướng bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thế nhưng, việc cụ thể hóa mục tiêu trên đối với Đồng Nai cần có sự phân tích sâu hơn để có quan điểm khác biệt.
“Hồ sơ quy hoạch hiện tại mới chỉ thể hiện được các quan điểm cơ bản, đảm bảo các yêu cầu như hồ sơ quy hoạch của các địa phương khác. Quan điểm này áp dụng cho địa phương nào cũng được vì nó mang tính phổ cập, phổ quát, còn đặc thù của Đồng Nai thì chưa thể hiện được” – ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết thêm.
Tương tự, các trụ cột của nền kinh tế xoay quanh việc phát triển kinh tế sân bay, đô thị, thương mại dịch vụ đã được nhận diện nhưng các giải pháp đột phá để phát triển thì lại chưa thực sự rõ ràng và cần được đóng góp, hoàn thiện thêm.
Ảnh: Minh họa
Sẽ tổ chức các hội nghị đóng góp ý kiến
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò hết sức quan trọng trong định hướng cho sự phát triển của tỉnh. Đồng Nai đặt kỳ vọng sẽ có một quy hoạch chất lượng, với nhiều ý tưởng mới mẻ, đột phá mang tầm quốc tế, dài hạn, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, Đồng Nai sẽ tổ chức các hội thảo để đón nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các trường đại học, viện nghiên cứu…
Tại buổi làm việc để nghe báo cáo tiến độ công tác xây dựng quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu Sở KH-ĐT phối hợp với đơn vị tư vấn lên kế hoạch tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đóng góp vào quy hoạch tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với các mảng nội dung chính gồm: phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, bao gồm cả phát triển du lịch ở Đồng Nai; đất đai, khoáng sản; hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý rác và phát triển đô thị. “Đây là những mảng nội dung cần phải quan tâm nhiều hơn” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.
Cũng tại buổi làm việc này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải theo dõi kỹ lộ trình, làm chặt chẽ các bước lập quy hoạch. Để chuẩn bị hoàn thiện báo cáo giữa kỳ phải tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia.
Sau khi tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện phải báo cáo Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy thông qua trước khi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trung ương. Quá trình thực hiện phải có kế hoạch truyền thông để nhân dân nắm rõ các nội dung quy hoạch, đóng góp ý kiến. Từ đó, hoàn thiện báo cáo cuối kỳ trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp trong tháng 6-2023 trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo báo Đồng Nai
Bình luận Xác Định Lợi Thế Của Đồng Nai Trong Quy Hoạch